Thực tế hành nghề hiện nay, Tôi gặp phải nhiều trường hợp Thẩm phán, Thư ký Toà án có cách hiểu sai và không thống nhất về hình thức của Hợp đồng uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền. Nhiều Thẩm phán, thư ký yêu cầu Giấy uỷ quyền hoặc Hợp đồng uỷ quyền phải được công chứng hoặc chứng thực mặc dù bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền đều ký ghi rõ họ tên trong uỷ quyền trước mặt Thẩm phán.
Cá biệt có trường hợp Toà án căn cứ quy định về phạm vi chứng thực chữ ký tại Thông tư Số 01/2020/TT-BTP để từ chối Hợp đồng uỷ quyền được chứng thực tại UBND cấp xã (Thẩm phán không phân biệt được chứng thực giao dịch và chứng thực chữ ký trong giao dịch). Điển hình, ngày 21/6/2021, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 481/TA-DS. Theo đó, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xác định cá nhân uỷ quyền cho Tổ chức hành nghề Luật sư thì phải được chứng thực theo quy định pháp luật
(đính kèm hình ảnh Văn bản số 481/TA-DS)
Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Vì vậy, Giấy uỷ quyền và Hợp đồng uỷ quyền đều là giao dịch dân sự, cụ thể là giao dịch uỷ quyền. Sau đây thống nhất giao dịch uỷ quyền được hiểu là Giấy uỷ quyền hoặc Hợp đồng uỷ quyền.
Thứ nhất: Quy định pháp luật về hình thức của giao dịch dân sự nói chung và giao dịch uỷ quyền nói riêng.
Điều 119 Bộ luật dân sự quy định như sau:
“
Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. (1).
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.(2)
”
Như vậy, Theo Bộ luật dân sự không có quy định cụ thể về hình thức của giao dịch nói chung và Giao dịch uỷ quyền nói riêng. Pháp luật Việt Nam tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trong việc lựa chọn hình thức giao dịch trong một số trường hợp pháp luật không bắt buộc.
Thứ hai: Quy định về hình thức đối với giao dịch uỷ quyền tham gia tố tụng.
Trừ trường hợp uỷ quyền kháng cáo thì yêu cầu phải bằng văn bản và được công chứng, chứng thực (quy định tại khoản 6 Điều 272 BLTTDS). Ngoài ra, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 không có bất kỳ quy định nào yêu cầu về hình thức của giao dịch uỷ quyền tham gia tố tụng (3)
Từ (1),(2) và (3) có thể xác định hình thức của Hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền tham gia tố tụng có thể bằng lời nói, bằng văn bản và nếu hình thức là văn bản thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Trường hợp Thẩm phán yêu cầu đương sự phải công chứng hoặc chứng thực uỷ quyền hoặc Thẩm phán từ chối nhận đối với văn bản uỷ quyền được chứng thực tại UBND cấp xã là hành vi trái pháp luật của Thẩm phán.
Đề xuất và kiến nghị thống nhất xử lý các trường hợp liên quan đến hình thức của uỷ quyền (trừ trường hợp có nội dung uỷ quyền kháng cáo) như sau:
Đối với trường hợp bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền liên hệ Toà án và thực hiện việc uỷ quyền tham gia tố tụng bằng hình thức là lời nói thì Thẩm phán giải quyết vụ án phải chấp nhận giao dịch uỷ quyền bằng lời nói của các đương sự. Ngoài ra, Thẩm phán phải lập biên bản làm việc ghi nhận lại nội dung giao dịch uỷ quyền bằng lời nói của các đương sự và làm rõ các nội dung của giao dịch uỷ quyền như nội dung uỷ quyền, phạm vi uỷ quyền, thời hạn uỷ quyền, quyền uỷ quyền lại cho bên thứ ba … và cho bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền ký biên bản để lưu hồ sơ vụ án, lấy căn cứ xác thực có giao dịch uỷ quyền.
Đối với trường hợp Toà án nhận được Giấy uỷ quyền hoặc Hợp đồng uỷ quyền không được chứng thực chữ ký, chứng thực uỷ quyền, công chứng uỷ quyền thì Toà án triệu tập bên uỷ quyền (hoặc triệu tập cả bên uỷ quyền và bên nhận uỷ quyền đối với trường hợp nhận được Hợp đồng uỷ quyền) để lập biên bản làm việc nhằm xác thực có giao dịch uỷ quyền như văn bản gửi Toà hay không và làm rõ các nội dung khác nếu văn bản uỷ quyền còn thiếu như phạm vi uỷ quyền, nội dung uỷ quyền, quyền uỷ quyền lại, thời hạn uỷ quyền …
Tác giả: Luật sư Lê Việt Danh